• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo quê hương
  • Báo in
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Văn hóa - Nghệ thuật

Nhịp nhàng điệu xòe, phụ nữ Thái tự tin quảng bá văn hóa dân tộc

Phụ nữ người Thái ở bản Vặt giờ đây không còn bẽn lẽn nấp sau cánh cửa hay cặm cụi trong bếp nữa. Họ trang điểm rạng rỡ, xinh đẹp, tự tin giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình.

 

Bằng lời ca, tiếng hát, những người phụ nữ Thái ở bản Vặt, Mộc Châu, Sơn La đang góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau bữa cơm trưa, bà Hà Thị Bịn (65 tuổi) cùng chị em trong bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tranh thủ tập dượt lại vài tiết mục văn nghệ để chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Vì dịch bệnh nên thỉnh thoảng lắm bản mới lại đón một đoàn khách du lịch, các chị em phụ nữ trong bản mới lại có cơ hội múa, hát. “Tập lại để múa khăn piêu cho khéo, già rồi nhiều khi quên bài…,” bà cười ngượng nghịu.

‘Đặc sản’ của người Thái

Đội văn nghệ là một trong những “đặc sản” níu chân du khách tại bản Vặt. Sau một ngày dài khám phá các điểm du lịch như chùa Vặt Hồng, suối Tá Văng Hay, thác Dải Yếm…, tối đến, du khách quây quần bên bếp lửa hồng thưởng thức ẩm thực địa phương và giao lưu văn nghệ với bà con người Thái trong bản.

Không chỉ những cô gái trẻ hát hay múa khéo mà đội phụ lão trong bản gồm những người từ 50 tuổi trở lên cũng vô cùng duyên dáng, uyển chuyển trong nhịp xòe truyền thống.

Bà Hà Thị Bịn ngày trẻ vốn đã nổi tiếng múa đẹp trong vùng Bà tham gia đoàn văn công của tỉnh Sơn La, đi biểu diễn khắp nơi. Những năm gần đây, bản Vặt nói riêng và huyện Mộc Châu nói chung phát triển du lịch cộng đồng, bà trở thành một trong những “hạt nhân” của đội văn nghệ. Những tiết mục múa hát đậm đà bản sắc dân tộc Thái là một trong những yếu tố độc đáo hấp dẫn khách du lịch.

Những phụ nữ Thái lớn tuổi tranh thủ giờ nghỉ trưa để tập văn nghệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ tích cực tham gia văn nghệ, bà còn rủ cả con dâu là chị Vì Thị Thương và các cháu ngoại Lò Ngọc Muốn (sinh năm 1994), Lò Ngọc Minh (1997) cùng biểu diễn, trong đó Muốn còn kiêm luôn việc MC cho các chương trình của bản.

“Việc học múa hát các bài truyền thống giúp chúng em giữ gìn được bản sắc riêng của dân tộc mình, quảng bá được những nét đẹp của người Thái ở Mộc Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung,” Muốn chia sẻ.

Tham gia biểu diễn từ năm 2019, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Muốn là lần bản Vặt đón một đoàn trẻ em khuyết tật từ Hà Nội. Muốn rất xúc động khi thấy các em rất chăm chú thưởng thức các tiết mục bằng cách cảm nhận lời ca, điệu múa theo cách riêng của mình. Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt khiến Muốn thấy ấm lòng.

Muốn nhớ có một bạn nhỏ tên là Thành, mắt không nhìn thấy được nhưng Thành vẫn lên nắm tay mọi người tham gia điệu xòe. Em nghiêng tai lắng nghe tiếng nhạc và thổ lộ: “Giá mà em được một lần nhìn ngắm khung cảnh của buổi tối văn nghệ ngày hôm nay cùng bố mẹ và mọi người thì hạnh phúc biết bao”.

Lò Ngọc Muốn (sinh năm 1994 vừa là 'cây' văn nghệ vừa là MC cho các chương trình của bản. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Nghe em Thành nói mà tất cả mọi người đều rưng rưng. Cho đến giờ Muốn vẫn thấy xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc ấy.

“Em mong muốn tình cảm giữa con người với con người sẽ càng gắn kết hơn giống như điệu múa xòe của người Thái, tay trong tay nhảy múa không phân biệt nam nữ, già trẻ, lạ hay quen. Tất cả cùng nhảy múa để quên đi mỏi mệt, để sẻ chia khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống,” Muốn chia sẻ.

Tự tin giới thiệu bản sắc dân tộc

Người phụ nữ dân tộc ở Tây Bắc trước đây vốn hay thẹn thùng. Nhiều người còn không nói được tiếng phổ thông. Có khách đến nhà, họ chỉ cười rồi lảng xuống bếp. Việc uống rượu, tiếp khách là của đàn ông trong nhà.

Để có được phong trào như ngày hôm nay, các cán bộ văn hóa địa phương và những “hạt nhân” như bà Bịn cũng đã rất vất vả thuyết phục, động viên mọi người tham gia.

Bà Đinh Thị Hường, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho hay năm 2019, địa phương tham gia dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua phát triển nông nghiệp và du lịch cộng đồng” (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ. Bản Vặt cũng là một trong 2 bản du lịch cộng đồng tại Mộc Châu được tổ chức Action On Poverty (AOP) hỗ trợ thông qua hợp tác với dự án GREAT. Từ đó, các chuyên gia của dự án có sự hỗ trợ về kinh phí và đào tạo để giúp những người phụ nữ địa phương làm du lịch cộng đồng, tự chủ kinh tế, xông xáo hơn trong các hoạt động xã hội.

Bên ánh lửa bập bùng, những người phụ nữ Thái say mê cất tiếng hát, nhịp nhàng trong điệu múa khăn piêu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh việc thành lập nhóm homestay, đào tạo nâng cao kỹ năng du lịch, kết nối với các công ty lữ hành để phát triển thị trường và các hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19, dự án cũng tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Đội văn nghệ bản Vặt được thành lập để hiện thực hóa mục tiêu này.

“Cán bộ dự án sưu tầm các bài hát, điệu múa, lên kịch bản chương trình để chị em phụ nữ thể hiện các tiết mục văn nghệ giao lưu với du khách. Những lớp học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn truyền thông về bình đẳng giới, giúp phụ nữ địa phương mạnh dạn hơn rất nhiều,” bà Hường chia sẻ.

Chị Vì Thị Định cùng mẹ chồng là Hoàng Thị Nót cũng là thành viên của đội văn nghệ. Dù trời mưa, rét, chị cũng đèo mẹ chồng tham dự các lớp học.

Trước đây, chị Định làm nông nghiệp, kinh tế gia đình do chồng làm chủ. Từ khi tham gia hoạt động du lịch, chị có thêm thu nhập 200.000 đồng mỗi buổi diễn văn nghệ. “Cát-sê” tuy không nhiều nhưng mang lại niềm vui và sự tự hào cho phụ nữ địa phương. Điều quan trọng hơn là những chương trình văn nghệ là một trong những yếu tố hút khách đến với bản Vặt. Hoạt động du lịch phát triển giúp kinh tế địa phương khởi sắc.

“Cuối buổi văn nghệ, chúng tôi bao giờ cũng mời khách cùng vào điệu ‘xòe thương nhau’. Tôi thấy họ cũng rất vui khi được tham gia vào hoạt động văn hóa của người Thái và đây cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu văn hóa của dân tộc mình cho du khách,” chị Định chia sẻ.

Phụ nữ người Thái ở bản Vặt giờ đây không còn bẽn lẽn nấp sau cánh cửa hay cặm cụi trong bếp nữa. Họ trang điểm rạng rỡ, xinh đẹp, tự tin trong bộ trang phục truyền thống có xà tích bạc lấp lánh… và quan trọng nhất là họ nhận được sự tôn trọng từ người đàn ông trong gia đình. Sự thay đổi tích cực này một phần cũng nhờ những sự kiện truyền thông về bình đẳng giới được GREAT và AOP phối hợp thực hiện trong 2 năm qua.

Du khách hào hứng nắm tay những phụ nữ địa phương trong vòng xòe cổ truyền. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Bà Hà Thị Bịn hóm hỉnh khoe rằng các ông chồng bây giờ rất ủng hộ vợ tham gia biểu diễn văn nghệ, thậm chí còn tháp tùng vợ trong những chuyến đi xa.

“Không có Covid-19 thì đội văn nghệ bản Vặt chúng tôi vẫn được mời đi biểu diễn trong các dịp lễ, Tết khắp nơi ấy, cả Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên… Các ông ấy thỉnh thoảng vẫn đi theo hỗ trợ cho cánh phụ nữ. Những lần tôi đi biểu diễn ở ngoài xã, huyện, thì ông ấy lấy xe máy chở tôi đi”, bà kể.

Trong ánh lửa bập bùng, tiếng đàn, tiếng hát cứ như dư âm đọng lại mãi trong lòng những người khách phương xa: “Noọng ơi! Đôi bàn tay em dệt nên cây trái, bông hoa em đẹp mãi núi rừng. Mời anh đến miền quê em ngàn non xanh Sơn La…”.

Theo Minh Thu (Vietnam+)

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Tiếp cận gần hơn với Trường thơ Loạn  (7/3/2022)  
Nữ giảng viên bền bỉ gieo tình yêu âm nhạc  (7/3/2022)  
TPHCM tổ chức diễu hành “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”  (7/3/2022)  
Triển lãm tranh về đất nước, con người Việt Nam của thầy giáo Hàn Quốc  (6/3/2022)  
Người thương câu bài chòi xứ Nẫu…  (6/3/2022)  
Thêm sắc màu cho làng chài Nhơn Hải  (4/3/2022)  
Nghệ sĩ xuất sắc năm 2021 - Diễn viên Phương Phú: Ham học hỏi, nhiệt huyết với nghề  (4/3/2022)  
Tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn  (3/3/2022)  
Tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn đảm bảo phòng dịch  (3/3/2022)  
Tác phẩm “TP Izumisano nhìn từ trên cao” đoạt giải đặc biệt  (2/3/2022)  
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
MerryLand Quy Nhơn là dự án tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp được phát triển bởi tập đoàn Hưng Thịnh tại phía Nam bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn, Bình Định
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN - XÂY DỰNG VÀ NÔNG LÂM TRUNG BỘ
Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Liên hệ quảng cáo
Quảng cáo Báo Bình Định
Trường Đại học Quang Trung
BỘ GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
bidiphar
Tuyển dụng công chức, viên chức
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 96/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 25.2.2016
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang